Sự quan trọng của store design trong ngàng Fashion Retail

Ngày đăng: 12/12/2022 Admin

 

Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho mọi người biết một khía cạnh khác của Visual Merchandise đó là Store Design vì trong tuần qua có dịp mình gặp và tư vấn cho 1 khách hàng là đơn vị thiết kế nội thất. Mình nhận ra là mình có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò của Visual Merchandise trong Store Design và vì sao các công ty thiết kế nội thất vẫn sử dụng dịch vụ tư vấn của mình.

Trong hầu hết các trường hợp mình gặp thì hầu như các chủ shop đều sử dụng bên thiết kế nội thất là đơn vị chính để thiết kế và thi công shop của họ. Mình tin chắc là bên đơn vị thiết kế nội thất là đơn vị có khả năng thiết kế siêu cấp vô địch khắp vũ trụ, và không có gì bàn cãi. Tuy nhiên nếu mọi việc chỉ đơn thuần như vậy thì có lẽ dịch vụ của mình đã không được các bên thiết kế nội thất sử dụng trong các dự án thiết kế thi công shop. Visual Merchandise có thể giúp chủ shop hoặc đơn vị thiết kế nội thất có thể thiết kế một cửa hàng có chiến lược nhằm mục đích thúc đẩy hình ảnh thương hiệu nhằm hỗ trợ kinh doanh ngành thời trang bán lẻ. 

 

➕ STORE IDENTITY - NHẬN DIỆN CỬA HÀNG

Trong thời buổi mà mỗi ngày đều xuất hiện một cửa hàng thời trang mới, một thương hiệu mới thì việc làm cho brand của bạn khác biệt các brand khác là một điểm tối quan trọng. Việc cửa hàng bạn trông ra như thế nào ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp của thương hiệu đến với khách hàng. 

Một cửa hàng thiết kế quần áo bình dân mà có thiết kế nhận diện cửa hàng phong cách hoàng gia Châu Âu thì sẽ có 2 vấn đề. Một là khách hàng sẽ không biết bạn đang bán hàng gì bên trong cửa hàng. Hai là khách hàng có tin bạn không khi bạn tư vấn về phong cách của họ khi chính thương hiệu còn đang mâu thuẫn với chính bản thân. Nên việc hình thành nhận diện cửa hàng phải được hình thành dứoi bàn tay của Visual Merchandise và thiết kế nội thất.

Visual Merchandising là gì? 

Visual Merchandising có thể hiểu là sự kết hợp của nghệ thuật sắp đặt cùng với lĩnh vực thời trang và kiến trúc. Đó là công việc sắp đặt và trang trí, cũng như trưng bày sản phẩm trong và ngoài không gian mua sắm dựa trên một concept cụ thể, được áp dụng tại những cửa hàng từ bình dân cho đến cao cấp, nhằm gây ấn tượng và thu hút sự chú ý của khách hàng, thúc đẩy khách hàng ghé thăm và mua sắm. 

Visual Merchandise giúp nhà thiết kế nội thất có thể bám sát theo hình ảnh thương hiệu. Suy cho cùng thì hình ảnh thương hiệu là những gì quý giá nhất mà một nhãn hiệu thời trang có thể tạo ra được cho chính mình

➕ IN-STORE LAYOUT - BỐ TRÍ MẶT BẰNG

Cách đây 8 năm, lúc đầu mình không đánh giá cao phần này khi bắt đầu vai trò Visual Merchandise.. Tuy nhiên, mình đã nghiên cứu và thử nghiệm các layout khác nhau và đút kết được rằng: “Thời gian khách hàng ở trong cửa hàng tỉ lệ thuận với cơ hội bán hàng và chốt bill.”

Một mặt bằng bố trí chật hẹp và có nhiều kệ tủ được đặt để ở nơi thiếu hợp lý sẽ dẫn đến việc trải nghiệm khách hàng không liền mạch vì họ dành nhiều thời gian để né tránh các quầy kệ bị đặt để không hợp lý. 

Một mặt bằng thông thoáng không quá nhiều ngõ ngách sẽ khiến cho khách hàng lả lướt trong cửa hàng bạn một cách dễ dàng nhằm gia tăng thời gian và mức độ chú ý vào sản phẩm nhiều hơn.

➕ FIXTURE - NỘI THẤT

Đây là phần không thể bỏ qua trong việc thiết kế cửa hàng, và cũng là công việc khó đối với Visual Merchandise. Vì nếu nó quá đẹp nó sẽ khiến sản phẩm thời trang của bạn lu mờ, và nếu quá xấu thì nó sẽ không giao tiếp được với khách hàng. Có những lần mình phải rất đau xót khi buộc phải thiết kế  lại quầy tủ kệ vì nó quá đẹp. Nghe thật buồn cười nhưng chính vì nó quá đẹp nên nó đã làm những sản phẩm trưng bày trên nó bị lu mờ. Vì vậy việc tìm được điểm giao thoa giữa đáp ứng tính thẩm mỹ, nhận diện thương hiệu và nổi bật sản phẩm là một quá trình đầy gian nan và thú vị. Trong thời gian mình làm việc này đòi hỏi mình phải luôn trong trạng thái tỉnh thức và nhận ra được đâu là một thiết kế đúng đáp ứng với brand và một thiết kế đẹp. Và mình nói thật với các bạn là việc giữ vững lí trí trước những cái đẹp thì rất khó.